Mã QR đã trở thành một phần
không thể thiếu trong đời sống nhờ tính tiện lợi, tuy nhiên, chính điều này lại
khiến người dùng dễ rơi vào bẫy của tội phạm mạng. Các hình thức lừa đảo qua mã
QR ngày càng tinh vi và phổ biến, buộc các chuyên gia an ninh mạng và các tập
đoàn công nghệ lớn như Google phải đưa ra những cảnh báo khẩn cấp tới người
dùng.
Mã QR là gì?
Mã QR (Quick Response Code) là một dạng mã vạch hai chiều, có
khả năng lưu trữ nhiều thông tin hơn so với mã vạch truyền thống. Khi quét bằng
điện thoại thông minh, người dùng có thể truy cập ngay vào một trang web, tải
xuống ứng dụng hoặc thực hiện giao dịch mà không cần nhập liệu thủ công.
Công nghệ này vốn được phát triển vào năm 1994 để phục vụ ngành
công nghiệp ô tô Nhật Bản, nhưng đến nay đã len lỏi vào mọi lĩnh vực đời sống.
Tuy nhiên, chính sự phổ biến này lại tạo điều kiện cho tin tặc lợi dụng. Không
phải lúc nào người dùng cũng có thể biết chính xác mã QR đó dẫn đến đâu. Nếu nó
bị thay thế bằng một mã giả mạo, người quét có thể vô tình bị chuyển đến một
trang web lừa đảo, nơi thông tin cá nhân hoặc tài khoản ngân hàng có thể bị
đánh cắp chỉ trong vài giây.
Những hình thức tấn công, lừa đảo bằng mã QR
Kẻ gian có thể in mã QR giả và dán đè lên các điểm thanh toán hợp pháp. Khi
người dùng quét, họ không biết rằng mình đã bị chuyển hướng đến một cổng thanh
toán giả mạo, nơi thông tin thẻ tín dụng hoặc tài khoản ngân hàng bị thu thập
mà không hề hay biết.
Một trường hợp điển hình là vụ lừa đảo nhắm vào một phụ nữ 70
tuổi tại Mỹ, khi bà tưởng rằng mình đang thanh toán phí đậu xe, nhưng thực tế
lại bị đăng ký vào một dịch vụ game trả phí hàng tháng. Đội An ninh mạng của
Cảnh sát Bắc Wales (NWP) đã đưa ra cảnh báo kêu gọi mọi người hết sức thận
trọng khi quét mã QR, đặc biệt là ở những nơi như bãi đậu xe, nhà hàng và khu
vực giao thông công cộng.
Một hình thức tấn công khác nguy hiểm không kém là phát tán phần
mềm độc hại. Một số mã QR được thiết kế để dẫn đến các trang web chứa mã độc
hoặc yêu cầu người dùng tải xuống một ứng dụng có vẻ vô hại nhưng thực chất là
phần mềm gián điệp.
Ngoài ra, một mối đe dọa ngày càng phổ biến là lừa đảo xác thực
đa yếu tố (2FA). Khi các dịch vụ tài chính và mạng xã hội ngày càng khuyến
khích người dùng bật tính năng xác thực hai lớp, tội phạm mạng cũng tìm cách
vượt qua lớp bảo vệ này. Chúng gửi email hoặc tin nhắn giả mạo ngân hàng, yêu
cầu người dùng quét mã QR để xác thực giao dịch. Thực chất, khi người dùng làm
theo, họ đang cung cấp chính mã xác thực đó cho tin tặc, giúp chúng chiếm đoạt
tài khoản dễ dàng.
Nghiên cứu từ Cisco Talos threat intelligence vào tháng 11/2024
đã tiết lộ rằng 60% trong số tất cả các email có chứa mã QR là thư rác và phần
lớn thư rác hiện nay đều đi kèm với một mối đe dọa độc hại.
"Không phải tất cả các email có mã QR bên trong đều là thư
rác hoặc độc hại, nhưng vấn đề là phần nhiều trong số đó có chứa liên kết lừa
đảo", Jaeson Schultz, một nhà nghiên cứu của Cisco Talos cho biết.
Google cũng vừa lên tiếng cảnh báo một số tác nhân đe dọa đang
nhắm mục tiêu vào nạn nhân bằng mã QR, lợi dụng tính năng thiết bị được liên
kết của ứng dụng Signal.
Các phương thức phòng tránh
Mặc dù các hình thức tấn công bằng mã QR ngày càng tinh vi,
người dùng vẫn có thể bảo vệ mình bằng một số nguyên tắc đơn giản. Điều quan
trọng nhất là luôn kiểm tra kỹ liên kết trước khi nhấp vào. Hầu hết các ứng
dụng quét mã QR đều hiển thị trước URL của trang web, nếu đường dẫn có dấu hiệu
đáng ngờ hoặc không rõ nguồn gốc, tốt nhất là không nên tiếp tục.
Ngoài ra, cần chú ý kiểm tra mã QR vật lý trước khi quét. Nếu
phát hiện dấu hiệu bị dán chồng lên hoặc có bất kỳ dấu vết chỉnh sửa nào, hãy
cẩn trọng vì đó có thể là mã giả mạo. Tại các bãi đậu xe hoặc điểm thanh toán
công cộng, nếu có thể, hãy nhập địa chỉ trang web hoặc số tài khoản trực tiếp
thay vì quét mã QR.
Một sai lầm phổ biến mà nhiều người mắc phải là tải ứng dụng từ
mã QR. Thay vì làm theo hướng dẫn quét mã để cài đặt phần mềm, hãy truy cập trực tiếp vào App Store
hoặc Google Play để tìm kiếm. Bên cạnh đó, khi nhận được email yêu cầu quét mã
QR để thanh toán hoặc xác minh tài khoản, hãy luôn xác thực lại thông tin bằng
cách truy cập trực tiếp vào trang web chính thức của dịch vụ đó. Nếu có bất kỳ
nghi ngờ nào, hãy gọi điện hoặc tìm kiếm thông tin trên kênh chính thống thay
vì làm theo hướng dẫn từ email hoặc tin nhắn không rõ nguồn gốc.
Cuối cùng, không cần thiết phải tải các ứng dụng quét mã QR của
bên thứ ba, vì điều này chỉ làm tăng thêm rủi ro. Hầu hết điện thoại hiện nay
đều có tính năng quét mã QR tích hợp sẵn trong ứng dụng camera, đảm bảo mức độ
an toàn cao hơn so với các ứng dụng không rõ nguồn gốc.
Trong thời đại số hóa, tội phạm mạng ngày càng tinh vi, việc nắm
vững kiến thức bảo mật là yếu tố then chốt. Bản thân mã QR không mang bản chất
xấu, mà vấn đề nằm ở việc sử dụng và bảo vệ nó. Nếu người dùng chủ động nâng
cao cảnh giác, kiểm tra kỹ lưỡng trước khi quét và tránh các hành vi rủi ro, mã
QR vẫn là công cụ hữu ích, giúp kết nối nhanh chóng và tiện lợi trong thế giới
kỹ thuật số./.
Theo https://antoanthongtin.gov.vn/mat-ma-dan-su/canh-bao-ve-cac-chieu-lua-dao-bang-ma-qr-tinh-vi-111573
Thanh tra tỉnh