Bộ Khoa học và Công nghệ thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo
Lượt xem: 738

Triển khai Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định 118/QĐ-TTg ngày 25/1/2021, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng cao. Đồng thời, thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp ở vùng nông thôn, miền núi, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; tăng cường đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ việc chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ.

Hoàn thiện hành lang pháp lý, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo

Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030 được xây dựng trên nguyên tắc kế thừa các nội dung của Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia giai đoạn 2011-2020 và chủ trương của Nhà nước cho đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Vì vậy, Chương trình đã điều chỉnh phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới, chú trọng đến ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm...

Thông tin từ Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030 sẽ tiếp tục tập trung hỗ trợ doanh nghiệp - lực lượng trung tâm của nền kinh tế và hoạt động đổi mới sáng tạo để chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng cao...

Đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp tập trung vào các nội dung chủ yếu là đổi mới sản phẩm, từ nghiên cứu thiết kế sản phẩm mới đến đổi mới quy trình (gồm quy trình sản xuất, quy trình quản lý dựa trên công nghệ), đổi mới công nghệ, đổi mới cách thức tiếp cận và phát triển thị trường. Như vậy, đổi mới công nghệ có vai trò và tác động quan trọng đối với các nội dung và hoạt động đổi mới khác. Ông Tạ Việt Dũng nhấn mạnh, đối với các doanh nghiệp nói chung, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ - ít có điều kiện tiếp cận đến các cơ chế, chính sách của Nhà nước, thì thông qua Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia sẽ là cơ hội rất quan trọng đem lại cho sự phát triển doanh nghiệp. Do vậy, hoạt động cung cấp thông tin, tư vấn công nghệ và hỗ trợ xúc tiến đầu tư đổi mới công nghệ là những hoạt động cần thiết, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) sẽ hỗ trợ, tổ chức thực hiện các hoạt động ứng dụng, phát triển công nghệ, đổi mới công nghệ.

Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030 được ban hành góp phần hoàn thiện thêm hành lang pháp lý, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Trước đó, các chủ trương và chiến lược thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia được thể hiện trong nhiều Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Bên cạnh đó, thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đang thực hiện tái cơ cấu các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ với mục tiêu hỗ trợ đồng bộ từ hoạt động tìm kiếm, xác định nhu cầu công nghệ đến hoạt động chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ và kết nối đầu tư… hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp, viện trường, tổ chức khoa học và công nghệ ứng dụng, phát triển và đổi mới công nghệ... Đặc biệt, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ đã triển khai các hoạt động, nhiệm vụ cụ thể để thúc đẩy trực tiếp cho hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, góp phần hoàn thiện hành lang, pháp lý và tạo nên chuỗi hỗ trợ có hệ thống, tập hợp được các nguồn lực cần thiết trong nước và quốc tế để cùng triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

Thống nhất quản lý, thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo

Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia sẽ tiếp tục tập trung hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, có giá trị gia tăng cao; thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp ở vùng nông thôn, miền núi, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ. Bên cạnh đó, Cục sẽ tiếp tục đổi mới phương thức tổ chức, huy động các nguồn lực trong và ngoài nước để triển khai hoạt động kết nối cung cầu công nghệ; tổ chức thường xuyên có hệ thống, chuyên nghiệp đối với hoạt động tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp.

Hiện nay, cơ cấu thể chế và quản lý đổi mới sáng tạo tại Việt Nam bị phân tán với nhiều bên tham gia và hạn chế về điều phối, Bộ Khoa học và Công nghệ trong nhiều trường hợp không đủ thẩm quyền để giải quyết một số vấn đề chính sách mạnh liên quan đến đổi mới sáng tạo. Thực tế, nhiều chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo mạnh, mang tính vượt khung luật hiện hành đòi hỏi phải có quyết định liên ngành mà không một ngành riêng biệt nào có đủ thẩm quyền giải quyết. Ngoài ra, cơ chế thực hiện chính sách thử nghiệm chưa thịnh hành và chưa được chấp nhận rộng rãi dẫn đến hoạt động đổi mới sáng tạo và thực thi chính sách, hỗ trợ đổi mới sáng tạo còn khá phân tán, đôi khi cạnh tranh nhau dẫn đến khả năng trùng lặp và lãng phí nguồn lực... Do đó, cần tập trung quản lý, giải quyết các vấn đề của quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo trong thời gian tới nhằm đạt hiệu quả trong việc thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

Theo ông Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, để quản lý hiệu quả, thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo cần thống nhất quản lý nhà nước về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; có sự phân công, phân cấp, phối hợp giữa các ngành, các cấp trung ương và địa phương trong bối cảnh mới nhằm thúc đẩy phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia...

Bên cạnh đó, xây dựng, ban hành cơ chế, quy chế phối hợp giữa cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo là Bộ Khoa học và Công nghệ với các bộ, ngành, địa phương để tạo sự thống nhất, hiệu quả, xuyên suốt trong quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo. Đồng thời, hình thành và phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia phù hợp với điều kiện Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 và khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực phát triển kinh tế - xã hội với mục tiêu hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ; tháo gỡ các nút thắt, rào cản về luật pháp, chính sách kinh tế, tài chính, thủ tục hành chính đối với hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới, vượt trội để thúc đẩy triển khai và ứng dụng công nghệ mới, đổi mới sáng tạo, mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ./.

(Nguồn: https://kinhtevadubao.vn)
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang